Phong Cách Sống

“Vaccine tinh thần” Resilience

Đặng Hoàng Trung Thứ Sáu | 12/02/2021 08:00

Tinh thần lạc quan nói về “phong cách diễn dịch” mà chúng ta áp dụng cho một biến cố. Ảnh: shutterstock.com

Resilience là một khả năng quan trọng đến nỗi hãng Tư vấn PWC ví nó như một “bí quyết công nghệ”...
Tinh thần lạc quan nói về “phong cách diễn dịch” mà chúng ta áp dụng cho một biến cố. Ảnh: shutterstock.com

Khi được hỏi đâu là khả năng giúp con người có thể giữ được vị trí của mình trong thị trường lao động mà máy móc đang dần có vai trò quan trọng, Yuval Harari, sử gia, nhà tư duy về tương lai rất có ảnh hưởng hiện nay, chỉ trả lời ngắn gọn, đó là khả năng “đập bỏ và làm mới phiên bản của chính mình sau mỗi 10 năm”. Và câu hỏi tiếp theo mà mỗi chúng ta đều đau đầu để tự tìm lời giải cho chính mình là “Làm cách nào?”

Vai trò của resilience trong doanh nghiệp

Theo từ điển Oxford, resilience chính là “khả năng phục hồi nhanh chóng sau mỗi sự cố phiền muộn, một cú sốc hay một chấn thương”. Còn theo Hiệp hội Tâm lý học Mỹ (APA), resilience được xem là “một quá trình thích nghi hiệu quả với nghịch cảnh, chấn thương, bi kịch, mối đe dọa hay căng thẳng tột độ”.

Không chỉ là khả năng giúp cá nhân phục hồi sau biến cố, resilience còn là một lợi thế cạnh tranh đối với doanh nghiệp nào biết cách xây dựng nó như một phần của chiến lược kinh doanh và văn hóa làm việc.

Resilience là một khả năng quan trọng đến nỗi Công ty Tư vấn PwC ví nó như một “bí quyết công nghệ”. May thay, bí quyết này không khó để nắm bắt, học hỏi và áp dụng.

BetterUp, một công ty hàng đầu trong lĩnh vực huấn luyện cá nhân dựa trên nền tảng công nghệ di động, đã khảo sát hàng chục ngàn lao động ở gần 20 ngành nghề trên khắp nước Mỹ trong hơn 1 năm qua và đúc kết thành những phát hiện đáng chú ý như sau:

- Những công ty có văn hóa và chiến lược resilience có xác suất tăng trưởng gấp 3 lần so với các công ty khác.

- So với trung bình của khảo sát, những nhà quản lý có resilience có tỉ lệ nhân viên căng thẳng đến kiệt sức thấp hơn 52%, có tỉ lệ nhân viên nghỉ việc thấp hơn 78% và có tỉ lệ nhân viên thấu hiểu mục đích của công việc, của phòng ban hay tổ chức cao hơn 57%. Nhân viên của các nhà quản lý này cũng có mức độ resilience cao hơn 2 lần so với nhân viên của những nhà lãnh đạo khác.

- Resilience là bí quyết giúp công ty sáng tạo hơn, linh hoạt hơn trung bình ngành, lần lượt là 22% và 19%.

- Resilience tác động đến sức khỏe thể chất, chất lượng mối quan hệ trong công việc của nhân viên và năng suất lao động, cao hơn trung bình ngành lần lượt là 40%, 20% và 21%.

Tiêm chủng “vaccine resilience”

Vậy làm thế nào chúng ta tiêm liều vaccine tinh thần này cho bản thân và cho doanh nghiệp mình? Hãy trở lại với nghiên cứu của BetterUp, có rất nhiều yếu tố góp phần hình thành nên khả năng resilience, nhưng tựu trung, khả năng này được xây nên từ 5 yếu tố chính mà bản thân mỗi người cũng như mỗi tổ chức có thể tác động trực tiếp. Đó là Quản lý cảm xúc (Emotional Regulation); Linh hoạt trong nhận thức w(Cognitive Agility); Lòng trắc ẩn với bản thân (Self-compassion); Tinh thần lạc quan (Optimism); Sự tin tưởng vào khả năng của bản thân (Self-efficacy).

 

Quản lý cảm xúc

Quản lý cảm xúc là khả năng thấu hiểu cảm xúc và làm chủ phản ứng của bản thân trước kích thích của ngoại cảnh. Khả năng làm chủ này cũng bao gồm việc thay đổi hay chuyển hóa trạng thái cảm xúc không phù hợp về trạng thái cảm xúc phù hợp. Đồng thời, với sự hiểu biết về cơ chế phản ứng và sinh ra cảm xúc của bản thân, chúng ta có thể ngăn ngừa cảm xúc không phù hợp hoặc củng cố cảm xúc phù hợp trong các tình huống tương tự ở tương lai.

Để rèn luyện khả năng này, cần có sự phát triển đồng thời của khả năng tiếp theo: linh hoạt trong nhận thức.

Linh hoạt trong nhận thức

Linh hoạt trong nhận thức là khả năng điều chỉnh quá trình, mô hình tư duy, nhận thức của bản thân để đối mặt với điều kiện mới, không lường trước được của hoàn cảnh (Cañas et al. 2003).

Nói cách khác, linh hoạt trong nhận thức chính là khả năng khám phá hệ thống “tiếp nhận dữ liệu -> lập luận/phân tích -> quyết định hành động” của bản thân, thấu hiểu ý tưởng, niềm tin, định kiến nào đóng vai trò khởi nguồn và có khả năng thay đổi ý tưởng, niềm tin, định kiến đó bằng những cái mới phù hợp hơn, để có hành động, lời nói, suy nghĩ... phù hợp với hoàn cảnh mới. 

Linh hoạt trong nhận thức suy cho cùng là quá trình thấu hiểu bản thân. Từ quá trình này, lòng trắc ẩn với bản thân cũng được xây dựng và củng cố.

Lòng trắc ẩn với bản thân

Lòng trắc ẩn với bản thân được Tạp chí Entrepreneur và Harvard Business Review đánh giá là khả năng thiết yếu tạo nên sự thành bại của nhà lãnh đạo trong một thế giới VUCA (dễ tổn thương, bất ổn, phức tạp, mơ hồ) như hiện nay, mà ở đó thất bại hay thay đổi không chỉ diễn ra nhanh hơn mà còn thường xuyên hơn. Và chỉ khi đối xử với bản thân bằng lòng trắc ẩn đúng đắn, có trí tuệ soi sáng, một người mới có khả năng vực dậy bản thân từ thất bại và chuyển hóa những khuyết điểm để “trở lại và lợi hại hơn xưa”.

Theo Tiến sĩ Kristin Neff, chuyên gia hàng đầu thế giới nghiên cứu về chủ đề “lòng trắc ẩn với bản thân”, khi một người biết yêu thương bản thân đúng đắn, tiêu chuẩn thành công của họ không vì thế mà thấp đi, trái lại, họ vẫn có thể cầu toàn hơn, tham vọng hơn. Khác biệt duy nhất là người có lòng trắc ẩn với bản thân cao sẽ nhìn nhận thất bại của bản thân như một cơ hội để phát triển. Họ có tư duy phát triển, công bằng và khách quan hơn trong cách đánh giá về thất bại của bản thân để học hỏi. Quan trọng hơn hết, từ nền tảng yêu thương bản thân đúng đắn, họ cũng xây dựng được khả năng thấu hiểu và đồng cảm đối với người khác.

Ảnh: shutterstock.com
Ảnh: shutterstock.com

Hiểu mình, hiểu người, hợp tác cùng thắng là công thức thành công tuy không mới, tuy giản dị, nhưng lại rất có ý nghĩa trong thế giới mà guồng máy công việc diễn qua quá nhanh khiến tình người đang dần phai nhạt như hiện nay.

Tinh thần lạc quan
Tinh thần lạc quan nói về “phong cách diễn dịch” mà chúng ta áp dụng cho một biến cố. Có 3 tiêu chí để đánh giá một “phong cách diễn dịch”: 

(1) Có khái quát hóa mọi chuyện đều do bản thân hay không?

(2) Có đánh giá biến cố là cố định, lâu dài, thường còn, bất biến hay không?

(3) Có liên hệ giữa lĩnh vực mà chúng ta gặp biến cố với những lĩnh vực khác trong cuộc sống của mình hay không? Ví dụ thất bại trong công việc có đồng nghĩa với thất bại trong gia đình, trong mối quan hệ hay không?

Khi chúng ta diễn dịch một biến cố với tinh thần lạc quan hay “đúng như thật”, chúng ta sẽ xem nó: (1) mang tính chất “có điều kiện”, tức phải do nhiều nhân duyên mà thành, (2) có tính chất vô thường bởi do những điều kiện riêng biệt tại thời điểm diễn ra và (3) không có sự liên hệ sang những lĩnh vực khác. Giữ được tinh thần lạc quan như thế, chúng ta sẽ nhanh chóng bình tâm và phục hồi, đồng thời càng có thêm động lực để phát triển bản thân.

Sự tin tưởng vào khả năng của bản thân

 

Sự tin tưởng vào khả năng của bản thân có vẻ như là hệ quả của 4 yếu tố trên và là nền tảng lành mạnh cho khả năng resilience của chúng ta.

Đại dịch COVID-19 khiến thế giới lao đao có vẻ như là khởi đầu cho nhiều thay đổi lớn hơn, nhanh hơn trong thời đại VUCA hiện nay. Những thay đổi này đang thách thức các phương pháp đào tạo phát triển truyền thống, vốn dựa trên việc truyền thụ kiến thức “outside-in” (từ ngoài vào). Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần cân nhắc một cách làm khác, “inside-out”, chủ động đánh thức những tiềm năng ẩn khuất bên trong mỗi người và liên tục cập nhật phiên bản mới của bản thân để có thể tiếp tục giữ được thành công và hạnh phúc cho chính chúng ta, cho gia đình, đồng nghiệp và tổ chức nơi chúng ta làm việc.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày