Tài Chính

ACV: Cơ hội hay rủi ro?

Vũ Quỳnh Thứ Hai | 11/11/2019 14:00

Sau khi cổ phần hóa 4,6%, từng có kiến nghị đối ứng khoảng 8.000 tỉ đồng để mua lại cổ phần ACV trên thị trường.

Ngày 8.2.2012, Bộ Giao thông Vận tải ra quyết định số 238/QĐ-BGTVT hợp nhất 3 Tổng Công ty Hàng không Miền Bắc, Miền Trung và Miền Nam thành Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Airports Corporation of Vietnam - ACV). Tiền đề khởi điểm với các nguồn lực lớn hội tụ, ACV duy trì vị thế hàng đầu trong lĩnh vực hạ tầng hàng không khi quản lý, đầu tư và khai thác hệ thống 22 cảng hàng không trong cả nước. Trong quý III/2019, doanh thu bán hàng của ACV đạt 4.591 tỉ đồng (tăng 15% so với quý trước), lợi nhuận sau thuế tăng trưởng đột biến 18,4% so với cùng kỳ, đạt 2.737 tỉ đồng.

Trước đó, tháng 7.2019, Bộ Giao thông Vận tải có tờ trình Thủ tướng đề nghị xem xét, phê duyệt Đề án giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý. Trong đó, một trong những điểm đáng chú ý là đề xuất xem xét lộ trình mua lại phần vốn do các cổ đông ngoài nhà nước nắm giữ tại ACV để đảm bảo điều kiện cao nhất là an ninh hàng không, quốc phòng được bộ này đề cập trong tờ trình gửi Thủ tướng. Tuy nhiên, kiến nghị vẫn chưa được phê duyệt.

 

Theo nhiều chuyên gia, yếu tố chênh lệch giá so với lúc chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng (IPO) và nguồn vốn đối ứng là những tiền đề quan trọng cần giải quyết khi đưa ra đề xuất trên. Theo báo cáo tài chính năm 2018 được kiểm toán bởi Deloitte, số cổ phần do Ủy ban Quản lý Vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang nắm là khoảng 2.076 triệu cổ phiếu, trong khi các cổ đông khác nắm hơn 100 triệu cổ phiếu. Tại thị giá dao động quanh 80.000 đồng/cổ phiếu, quy mô đợt mua lại có thể lên tới 8.000 tỉ đồng.

“Khi xem xét việc mua lại cổ phần của doanh nghiệp đã cổ phần hóa, phải xem lại mục đích ban đầu của việc bán cổ phần nhất là trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang thâm hụt, việc bố trí kinh phí mua lại cổ phần của ACV lên tới 8.000 tỉ đồng sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ”, Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá, Bộ Tài chính, nhận xét.

Trong phiên IPO tháng 12.2015, ACV đã đấu giá công khai 77,8 triệu cổ phiếu và bán ưu đãi 34,4 triệu cổ phiếu cho cán bộ nhân viên và công đoàn. Khi đó, giá khởi điểm đấu giá chỉ là 11.800 đồng, giá trung bình trúng thầu toàn bộ cổ phần là 14.300 đồng/cổ phiếu, số cổ phần bán ra mang về cho Nhà nước hơn 1.400 tỉ đồng.

Theo số liệu kinh doanh, ACV có lẽ đang nằm ở chu kỳ thuận lợi nhất trong 14 quý kinh doanh gần đây. Doanh nghiệp này thu về lãi ròng hơn 2.203 tỉ đồng trong quý III/2019. Tại thời điểm ngày 30.9, ACV có tổng tài sản 59.702 tỉ đồng, tăng hơn 6.000 tỉ đồng so với đầu năm. Trong đó, hơn 50% tài sản của ACV là tài sản thanh khoản cao như tiền mặt và tiền gửi tiết kiệm.

Cụ thể, tại trương mục 110 (tiền và tương đương tiền), ACV có 676 tỉ đồng; trong khi tại trương mục 120 (đầu tư tài chính ngắn hạn) là 31.382 tỉ đồng (tương đương 1,34 tỉ USD). Theo thuyết minh dòng 15, đầu tư tài chính ngắn hạn cụ thể chính là tiền gửi ngân hàng dưới 12 tháng. Theo nhiều nguồn thạo tin, lợi tức từ việc gửi tiết kiệm sẽ mang về cho ACV hơn 2.240 tỉ đồng.

 

Chia sẻ trực tiếp bởi lãnh đạo ACV, doanh nghiệp dự kiến tích lũy còn nhiều hơn nữa trong năm 2025. “Từ nay đến năm 2025, ACV sẽ tích lũy được khoảng 87.500 tỉ đồng”, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị ACV, cho biết. Như vậy ACV sẽ có khoản tích lũy 25.000 tỉ đồng để dành xây sân bay Long Thành. Theo dự kiến, nếu giao dự án sân bay Long Thành cho ACV, doanh nghiệp này dự kiến sẽ có vốn đối ứng lên đến 40-45%. Phần còn lại sẽ được cân đối bằng vốn vay bởi đối tác tài chính ngoại mà dự kiến sẽ không có ảnh hưởng đến tài khóa chung.

Về mặt định giá, với EV/EBITDA trung bình ngành là 13,3 lần, tương đương mức giá mục tiêu hợp lý của ACV là 83.000 đồng/cổ phiếu, báo cáo phân tích của Bảo Việt Securities nhận định. Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt, các yếu tố thử thách cổ phiếu ngắn hạn gồm có: (1) sự giảm tốc đột ngột về lưu lượng hành khách; (2) rủi ro tái quốc hữu hóa ACV; (3) khả năng chuyển sang niêm yết sàn HoSE khó hiện thực hóa.

Trong đợt IPO năm 2015, Dragon Capital và VinaCapital là 2 cái tên lớn nắm giữ cổ phiếu ACV khi vừa niêm yết. Tại báo cáo tháng 9 của VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF), ACV hiện nằm trong top 10 cổ phiếu nắm giữ (tỉ trọng 7,9%), giá trị NAV của VOF ngày 30.9 là 920,8 triệu USD. Trong khi đó, về phía Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) của Dragon Capital, báo cáo tháng 10 của quỹ này không thể hiện rõ thông tin về ACV khi mã này không nằm trong top 10 nắm giữ.

Khi được hỏi về khoản tiền đối ứng 8.000 tỉ đồng để mua lại cổ phần, Bộ Giao thông Vận tải dường như vẫn chưa tính phương án lấy tiền đâu để mua. “Sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chúng tôi mới lập đề án mua, gom hoặc tính chuyện lấy kinh phí ở đâu để thực hiện”, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, nói.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày