Tài Chính

Quỹ lớn nhất của VinaCapital giảm 16% trong "tháng 3 u ám"

Vũ Hạo Thứ Tư | 15/04/2020 17:41

Nhận định về tháng 3, VinCapital cũng dẫn lại câu nói phổ biến: “Hãy cảnh giác về ngày 15 u ám của tháng 3” (Beware of Ides of March).

Nhận định về tháng 3, Vincapital cũng dẫn lại câu nói phổ biến: “Hãy cảnh giác về ngày 15 u ám của tháng 3” (Beware of Ides of March).

Tháng 3 sẽ hằn sâu trong tâm trí của người dân thế giới như một ký ức u buồn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 cướp lấy mạng sống của hàng ngàn người và gây khó khăn cho cuộc sống thường nhật của người dân. Gần 1/3 dân số thế giới lúc này vẫn còn trong trạng thái tự cách ly.

Trong tháng 3.2020, NAV/ccq (tổng tài sản ròng trên chứng chỉ quỹ) của quỹ VOF giảm 16% (tính bằng USD), giảm yếu hơn so với mức 24,9% của VN-Index.

Tháng “biến động kỷ lục, gây chấn động và đầy hỗn loạn”

Cả thị trường hàng hóa lẫn cổ phiếu đều biến động dữ dội, trong đó chỉ số S&P 500 có lúc rơi tự do 29% so với mức đỉnh hồi giữa tháng 2/2020 và xóa sạch gần như toàn bộ thành quả 3 năm qua. Trong khi đó, giá dầu ghi nhận tháng tồi tệ nhất trong lịch sử với mức giảm 54%.

Một nhà bình luận thị trường mô tả, đây là tháng “biến động kỷ lục, gây kinh hãi và đầy hỗn loạn”.

Vào giữa tháng 3/2020, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã giảm lãi suất chuẩn xuống gần 0% để hỗ trợ cho nền kinh tế Mỹ. Cùng với đó, Fed cũng thực hiện hàng loạt biện pháp khác nhằm cung cấp đủ thanh khoản cho các định chế tài chính cũng như cả nền kinh tế.

Nối tiếp bước FED, nhiều ngân hàng trung ương khác trên thế giới cũng hành động để giảm thiểu thiệt hại từ đại dịch. Thật vậy, tính từ đầu tháng 2/2020 đến nay, hơn 30 ngân hàng trung ương – bao gồm cả Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – đã giảm lãi suất và nới lỏng chính sách tiền tệ để cung cấp đủ thanh khoản và ổn định thị trường.

Tuy nhiên, Vinacapital đánh giá: “Các động thái nới lỏng chính sách này khó lòng đảo ngược đà giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu trong nửa đầu năm 2020”.

Khối ngoại bán ròng dồn dập không chỉ ở Việt Nam 

Vào ngày 31.3, chỉ số VN-Index khép phiên ở mức 662,5 điểm, giảm 24,9% so với cuối tháng trước và giảm 31,1% so với đầu năm. Nhưng đáng chú ý là khối lượng giao dịch hàng ngày tăng lên 135 triệu USD, từ mức 129 triệu USD trong tháng 2/2020.

Khối ngoại dồn dập bán ròng cổ phiếu Việt Nam. Trong tháng 3.2020, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 331 triệu USD, cao gấp 2,5 lần so với mức 135 triệu USD của tháng 2.2020.

Đây là tháng bán ròng cao nhất của khối ngoại trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam, và tháng 2.2020 giờ lại tụt xuống thành tháng tồi tệ thứ 2 trong lịch sử.

Tính trong quý I/2020, khối ngoại bán ròng tổng cộng 376 triệu USD, cao hơn so với mức 151 triệu USD trong quý IV/2019. Trong đó, quỹ ETF bán ròng 70 triệu USD trong tháng 3.2020, trái ngược hoàn toàn với đà mua ròng 7 triệu USD của tháng trước đó.

Ảnh: Vinacapital
Ảnh: Vinacapital

Không chỉ riêng Việt Nam bị rút ròng, đây là mẫu hình chung ở các thị trường cận biên và thị trường mới nổi, khi các nhà quản lý quỹ chủ động và quỹ bị động rút vốn mạnh chưa từng thấy trong hơn 2 năm qua. Các chỉ số cổ phiếu cận biên (frontier market) giờ có thành quả kém hơn so với các thị trường phát triển khác.

Ảnh: Vinacapital
Ảnh: Vinacapital

Tuy nhiên, Vinacapital dẫn lại nghiên cứu cho thấy nhịp độ bán ròng hiện tại của khối ngoại “rồi sẽ dần dần biến mất khi xét tới bức tranh vĩ mô tích cực của Việt Nam”. Ngoài ra, phần lớn đà giảm của chỉ số VN-Index trong quý vừa qua là do biến động giá hơn là bán tháo thực sự. Bằng chứng là tỷ lệ sở hữu của nước ngoài ở các cổ phiếu Việt Nam vẫn không thay đổi quá nhiều.

Những tín hiệu tiêu cực

Bên cạnh đó, nhiều tổ chức đã hạ dự báo GDP năm 2020, trong đó Fitch và Standard Chartered đồng loạt dự báo Việt Nam tăng trưởng 3,3% trong năm 2020, thấp hơn nhiều so với mức 7% của năm 2019.

Nếu các công ty công bố kết quả quý I/2020 khá yếu ớt trong vài tuần tới, VinaCapital dự báo nhiều công ty sẽ hạ mục tiêu lợi nhuận, giảm hoặc cắt phần trả cổ tức và thậm chí có khả năng cắt luôn phần ESOP trong năm nay.

Nhìn về tương lai, Việt Nam đang cố gắng kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh và nới lỏng các biện pháp hạn chế di chuyển – dự kiến kết thúc vào ngày 15.4. Tuy nhiên, có khả năng Chính phủ Việt Nam có thể kéo dài lệnh cách ly. Vì lệnh cách lý, các doanh nghiệp trong nước phần lớn đang đóng cửa, trong đó lĩnh vực dịch vụ bị tác động nặng nề nhất.  

Quỹ VOF vẫn đang còn khoảng 5% tiền và tương đương tiền tại cuối tháng 3.2020, nhờ đó cho phép quỹ tận dụng một vài cơ hội đầu tư, đồng thời tiếp tục kế hoạch mua lại chứng chỉ quỹ và trả cổ tức.

Danh mục của VOF có gì?

Top 10 cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất của VOF
Top 10 cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất của VOF

Tính tới cuối tháng 3, 10 cổ phiếu lớn nhất của quỹ chiếm 50,1% danh mục, trong đó HPG đang là cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao nhất với 10,3%, kế đó là KDH (8,1%) và VNM (5,7%). Trong bối cảnh phần lớn cổ phiếu Việt đều giảm mạnh trong tháng 3 vừa qua, việc NAV của quỹ VOF giảm mạnh cũng là điều dễ hiểu.

Danh mục của quỹ VOF. Nguồn: Vinacapital
Danh mục của quỹ VOF. Nguồn: Vinacapital

Các khoản đầu tư của VOF trải dài trên nhiều ngành nghề, chủ yếu tập trung vào các nhóm ngành: Bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng; thực phẩm và đồ uống; dịch vụ tài chính.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày