Thế giới

Thời vận của các công ty "dòng tộc" - Quá tam ba bận?

Thứ Tư | 18/06/2014 11:58

Một truyền thuyết kinh doanh kể rằng, sự thịnh vượng của một công ty gia đình sẽ không kéo dài quá 3 thế hệ.
Tuy nhiên, thực tế những gì diễn ra tại châu Á có thể chứng minh điều ngược lại.

Sải bước qua một cửa hàng cà phê Starbucks tại Jakarta là John Riady - một chàng trai 29 tuổi, trưởng thành từ hệ thống giáo dục danh tiếng của Ivy League. Ông nội anh, Mochtar Riady, sinh ra tại Java trong một gia đình Trung Quốc. Sau thế chiến thứ hai (WW2), ông thành lập Lippo, một trong những tập đoàn gia đình lớn của Indonesia.

John Riady đứng giữa hai thế giới cũ và mới. Là giám đốc của Lippo, anh thường thảo luận các vấn đề với ông nội và cha của anh, giám đốc điều hành của Lippo. Tuy nhiên, anh cũng thể hiện khuynh hướng hiện đại hóa. "Thách thức thế hệ của tôi là làm thế nào thể chế hóa các công ty mà không làm mất đi định hướng kinh doanh. Nếu bạn nhìn vào Mỹ, gia đình Ford và Cargill, họ còn làm được nhiều hơn thế".

Các tập đoàn gia đinh trên khắp châu Á đã minh chứng cho sự phát triển bền vững đáng kinh ngạc. Khủng hoảng tài chính 1997-1998 đã buộc nhiều tập đoàn phải phá sản. Trong số 30 tập đoàn lớn nhất Hàn quốc, đã có 11 tập đoàn phá sản, bao gồm cả Daewoo. Quá trình toàn cầu hóa đáng lẽ đã xóa sổ mô hình kinh doanh dễ dãi này. Nhưng số vốn hóa của các doanh nghiệp này trên thị trường chứng khoán châu Á thậm chí còn tăng trong thập kỉ vừa qua lên mức 27%.

Hai quốc gia châu Á duy nhất không chịu sự chi phối của các tập đoàn gia đình là Trung Quốc (vốn đang quay lại với mô hình tư bản nhà nước) và Nhật Bản (nơi mô hình này đã dần bị xóa bỏ kể từ sau WW2 dưới sự can thiệp của Mỹ).

Mô hình độc nhất của các tập đoàn Nhật Bản là sự kết hợp của nhiều hình thức khác nhau như các cổ đông “bù nhìn", sở hữu cổ phần chéo, mối quan hệ gắn kết giữa các nhà cung ứng và ngân hàng. Đây là mô hình mà các tập đoàn gia đình truyền thống đã để lại.

Mô hình kinh doanh gia đình thường không thuộc về đa số. 1/3 thị trường chứng khoán Ấn Độ được điều hành bởi các gia tộc có nguồn gốc từ các bang miền Tây Rajasthan và Gujarat, chẳng hạn như gia đình Ambani, hoặc gia đình gốc Paris như Mistry và Tata (điều hành Tata Sons).

Tại Đông Nam Á, người gốc Trung Quốc là nhóm chiếm ưu thế. 3/4 tổng tài sản của 20 người giàu nhất tại khu vực Đông Nam Á đang nằm trong tay của các "ông trùm" gốc Trung Quốc. Một số đã tận dụng gia sản để lại từ đời tổ tiên để duy trì sự giàu có của mình. Dhanin Chearavanont - người giàu nhất Thái Lan và kiểm soát CP Group - một trong những tập đoàn lớn nhất của đất nước. Tập đoàn này từng là nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên ở Trung Quốc vào năm 1979 và hiện đang điều hành hoạt động kinh doanh thực phẩm quy mô lớn và có sở hữu cổ phần tại hãng bảo hiểm Ping An.

Kinh doanh kiểu tập đoàn là sản phẩm của thời nhà nước bao cấp và nền kinh tế đóng. Các doanh nghiệp này đã phải tham gia vào các ngành lân cận để phát triển. Tuy nhiên, các tập đoàn chủ yếu là hệ quả của các định chế và hệ thống pháp luật yếu kém, thị trường lao động và vốn không hiệu quả, cơ sở hạ tầng nghèo nàn và sự thiếu tin tưởng vào chính phủ. Phải đối mặt với chừng đó những hỗn loạn, việc mở rộng quy trình bên trong nội bộ doanh nghiệp lại trở nên quan trọng.

Lập luận trên có thể được minh chứng thông qua trường hợp của Myanmar - "mảnh đất vàng cuối cùng" của chủ nghĩa tư bản châu Á. Tại thủ đô thương mại đổ nát Yangon, nhưng người Myanmar có thể tự hào vì có ngày càng nhiều câu lạc bộ đêm mọc lên và "siêu" xe Range Rover cũng trở nên phổ biến trên đường phố. Những nguyên lý cơ bản của thương mại dường như không tồn tại, doanh nghiệp phải đưa vốn ra nước ngoài bằng kênh thu đổi ngoại tệ.

Yoma Strategic - công ty lớn nhất của Myanmar được niêm yết lớn nhất trên sàn chứng khoán Singapore, có giá trị lên đến 600 triệu USD. Được điều hành bởi Serge Pun, một người đàn ông địa phương gốc Trung Quốc, Yoma Strategic đang hoạt động tốt và rất "được lòng" các đối tác nước ngoài. Hiện tại, Yoma Strategic đang đa dạng hóa hoạt động và lấn sân các lĩnh vực giáo dục, cà phê, logistics, cho thuê xe,...

Dĩ nhiên, Trung Quốc đã đi trước rất xa so với Myanmar nhưng các định chế bên trong sự phát triển đó vẫn chưa được hoàn thiện. Điểm yếu chung này vô tình lại tạo ra thuận lợi riêng cho các tập đoàn. Các công ty dù lớn hay nhỏ đều tiến hành đa dạng hóa hoạt động. Chẳng hạn như, Fosun - một công ty tư nhân thành lập tại Thượng Hải từ đầu những năm 1990, đã thâm nhập vào những ngành sản xuất do nhà nước bỏ lại: từ dược liệu cho tới khai thác mỏ và bảo hiểm. Hiện nay doanh nghiệp này đang chú ý đến các lĩnh vực mới như internet, chăm sóc sức khỏe và du lịch. Giám đốc điều hành Liang Xinjun nói rằng, ông và các người đồng sáng lập đều rất ngưỡng mộ Warren Buffett, ông chủ của tập đoàn Berkshire Hathaway - một tập đoàn danh tiếng của Mỹ.

Nguồn Gafin/Theo DVO/The Economist


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày