Thế giới

Trung Quốc sẽ thay đổi hay bị thay đổi bởi CPTPP?

Minh Duy Thứ Ba | 02/11/2021 08:51

Hàng loạt xe tải tại một bến container ở cảng Ningbo Zhoushan ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc phải đồng ý đáp ứng tất cả yêu cầu của hiệp định cũng như đệ trình một kế hoạch hành động chi tiết.
Hàng loạt xe tải tại một bến container ở cảng Ningbo Zhoushan ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Việc Trung Quốc mong muốn tham gia Hiệp định Thương mại Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã gây chia rẽ giới quan sát: có người xem đây là cơ hội quý giá để kích thích cải cách kinh tế, có người lại cho rằng các thành viên nên thận trọng xem xét.

Phe thứ nhất lập luận rằng các điều kiện gia nhập CPTPP khá chi tiết và nghiêm ngặt, tạo ít cơ hội cho các ngoại lệ như Trung Quốc. Vì vậy, họ cho rằng việc tham gia CPTPP có thể thúc đẩy Bắc Kinh đặt ra các quy định công bằng và minh bạch hơn.

Theo Nikkei Asia Review, cánh cửa không hoàn toàn đóng lại với Trung Quốc nếu các thành viên CPTPP tuân thủ nguyên tắc từ chối các ngoại lệ trong bộ tiêu chuẩn của hiệp định và Bắc Kinh đồng ý tham gia dưới những điều kiện này.

Nhưng để đi theo con đường này, tối thiểu cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và thống nhất giữa các thành viên của CPTPP. Ngay cả khi đó, việc đàm phán với một siêu cường kinh tế như Trung Quốc cũng tiềm ẩn rủi ro không nhỏ.

Lo ngại lớn nhất là chưa rõ liệu Bắc Kinh có định cố gắng đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của CPTPP hay không. Ngay cả các nguồn tin ngoại giao và chuyên gia trong chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình cũng không đồng tình về mức độ chân thành của họ vào thời điểm này.

Một số người cho rằng chính phủ Trung Quốc đang muốn lợi dụng CPTPP như một áp lực từ bên ngoài để bắt buộc thực hiện cải cách kinh tế. Để bảo vệ ý kiến này, họ chỉ ra những thay đổi gần đây trong hoạt động mua sắm công và tiêu chuẩn lao động.

Còn theo một số chuyên gia khác, Trung Quốc tham gia quá trình nộp đơn với mục đích xin miễn trừ các yêu cầu của CPTPP ngay từ đầu. Trong danh sách Chỉ số Tự do Kinh tế của Heritage Foundation, Trung Quốc xếp thứ 107, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của các thành viên CPTPP là khoảng 30.

CPTPP yêu cầu các thành viên nới lỏng đáng kể các hạn chế đối với luồng dữ liệu xuyên biên giới, chấm dứt tình trạng lao động cưỡng bức và hành vi đối xử đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhà nước. Hiện nay, các chính sách của ông Tập đều đi ngược lại điều này.

"Trong các cuộc đàm phán về việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, nhiều người tin rằng áp lực từ bên ngoài sẽ đưa hệ thống kinh tế của họ tiến gần hơn với hệ thống kinh tế của các nước phương Tây. Tuy nhiên, Trung Quốc đang rất tự tin rằng mô hình kinh tế của họ là ưu việt. Thay vì đưa nó đến gần hơn với các tiêu chuẩn của CPTPP, Bắc Kinh có thể lên khiến CPTPP tiến gần đến mô hình của họ bằng các loại bỏ các ngoại lệ", Giám đốc nghiên cứu Wu Junhua tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản cho biết.

Chính quyền của ông Tập đang bắt đầu tìm kiếm sự hỗ trợ từ các thành viên của CPTPP như Singapore, Brunei, Mexico và New Zealand. Ảnh: Reuters.
Chính quyền của ông Tập đang bắt đầu tìm kiếm sự hỗ trợ từ các thành viên của CPTPP như Singapore, Brunei, Mexico và New Zealand. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, CPTPP được xây dựng để không cho phép những trường hợp ngoại lệ như vậy. Để gia nhập CPTPP, Trung Quốc sẽ phải đồng ý đáp ứng tất cả yêu cầu của hiệp định cũng như đệ trình một kế hoạch hành động chi tiết về những khía cạnh mà họ còn thiếu sót.

Bộ trưởng Ngoại thương lúc bấy giờ là Shi Guangsheng ký văn kiện thành viên tại lễ ký gia nhập WTO của Trung Quốc ở Doha vào ngày 11/11/2001. Ảnh: Reuters.
Bộ trưởng Ngoại thương lúc bấy giờ là Shi Guangsheng ký văn kiện thành viên tại lễ ký gia nhập WTO của Trung Quốc ở Doha vào ngày 11/11/2001. Ảnh: Reuters.

CPTPP đưa ra thời gian ân hạn cho 11 thành viên hiện tại của hiệp định để đáp ứng các nghĩa vụ nhất định. Theo quan chức thương mại cấp cao của một quốc gia thành viên, các quốc gia thành viên của CPTPP đã đồng ý không làm điều tương tự đối với người mới gia nhập.

Tuy nhiên, CPTPP cho phép áp dụng ngoại lệ đối với các quy định liên quan tới lợi ích an ninh thiết yếu theo Chương 29, Điều 2. Để tránh những bất ngờ, các thành viên hiện tại của hiệp định sẽ phải yêu cầu Trung Quốc tiết lộ mức độ lợi ích an ninh quốc gia của mình đối với CPTPP.

Đài Loan (Trung Quốc) nộp đơn gia nhập CPTPP ngay sau động thái của Trung Quốc. Với tư cách là một hiệp định kinh tế, CPTPP không có rào cản nào đối với việc vùng lãnh thổ này gia nhập. Đài Loan (Trung Quốc) xếp thứ 6 trong danh sách Chỉ số Tự do Kinh tế và cũng là một thành viên của WTO.

Việc xem xét tư cách thành viên của Đài Loan (Trung Quốc) phải được thảo luận với Bắc Kinh với mục đích là đảm bảo họ sẽ không cản trở quá trình gia nhập của Đài Loan này.

Nếu Trung Quốc chấp nhận tất cả điều khoản của CPTPP và trở thành thành viên, tác động đến địa chính trị ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ rất sâu sắc, đặc biệt là trong trường hợp không có Mỹ. Các thành viên cần phải bắt đầu xem xét kịch bản này ngay từ bây giờ để có một cuộc tranh luận thấu đáo về đơn xin gia nhập của Trung Quốc.

Có thể bạn quan tâm:

Châu Phi "lao đao" khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày