Công Nghệ

Nikkei: Trung Quốc ngăn Foxconn khởi động nhà máy, nhiều công ty hoãn kế hoạch nối lại sản xuất từ ngày 10/02

Vũ Hạo Thứ Hai | 10/02/2020 08:50

Ảnh: Nikkei Asian Review

Động thái ngăn các công ty khởi động lại hoạt động sản xuất đang gây thêm gián đoạn cho các công ty như Apple, Amazon, Huawei...
Ảnh: Nikkei Asian Review

Kế hoạch nối lại hoạt động sản xuất vào ngày thứ Hai (10/02) của Foxconn – một nhà cung ứng iPhone quan trọng của Apple – đã bị các cơ quan chức trách Trung Quốc phản đối kịch liệt vì nỗi lo xoay quanh sự bùng phát của virus corona, Nikkei Asian Review đưa tin.

* Foxconn tự sản xuất khẩu trang, buộc nhân viên trở lại Trung Quốc để tiếp tục sản xuất

Động thái này càng làm tồi tệ thêm sự gián đoạn chuỗi cung ứng đối với các công ty thiết bị điện tử toàn cầu, như Apple, Amazon, Google và Huawei. Foxconn đang là nhà lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới và đang sản xuất điện thoại thông minh Huawei, máy đọc sách Amazon Kindle, loa. Ngoài ra, họ cũng cung ứng thiết bị cho HP, Dell và phần lớn các thương hiệu thiết bị điện tử lớn khác.

Các chuyên gia y tế công ở Thâm Quyến đã thông báo với Foxconn – còn được biết tới là Hon Hai Precision Industry – rằng các nhà máy của họ phải đối mặt với "nguy cơ nhiễm virus corona cao" sau khi tiến hành kiểm tra tại cơ sở sản xuất và do đó không phù hợp để bắt đầu lại công việc,  Nikkei Asian Review trích nguồn thạo tin cho hay.

"Vi phạm biện pháp phòng chống dịch bệnh có thể có khả năng đối mặt với án tử hình", trích từ bản ghi nhớ cuộc họp nội bộ mà Nikkei Asian Reivew có được.

Khu phức hợp Trịnh Châu của Foxconn – vốn là cơ sở sản xuất iPhone lớn nhất thế giới – cũng hủy kế hoạch hoạt động trở lại vào ngày thứ Hai (10/02), nguồn tin này cho biết.

“Các chính quyền địa phương không muốn tạo nguy cơ cho virus lan rộng trong môi trường làm việc thâm dụng lao động như thế này. Không ai muốn gánh trách nhiệm của việc khởi động sản xuất tại thời điểm quan trọng này”, một người biết về kế hoạch của Foxconn cho hay.

Rủi ro về sức khỏe do cơ quan y tế công Thâm Quyến đưa ra bao gồm luồng không khí không đạt chuẩn từ các nhà hàng và ký túc xá của nhân viên, theo bản ghi nhớ họp nội bộ. Xét tới việc cơ sở sản xuất sử dụng máy điều hòa trung tâm, môi trường làm việc như thế này thậm chí có rủi ro lây nhiễm cao hơn vì mật độ nhân viên cao.

Tuy nhiên, Foxconn có thể thấy khó khăn khi giải quyết những lo ngại như thế vì hệ thống điều hòa trung tâm là một phần của thiết bị cần thiết để ngăn bụi bẩn làm gián đoạn quá trình sản xuất.

Vào chiều thứ Sáu (07/02), nhà lắp ráp iPhone này đã hủy đặt vé máy bay cho nhân viên Đài Loan để trở về Trung Quốc trong khoảng thời gian giữa thứ Bảy (08/02) đến 14/02 sau cuộc họp qua video do Chủ tịch Young Liu tổ chức vào buổi sáng hôm đó, các nguồn tin cho biết.

Ông Liu quyết định khu phức hợp Trịnh Châu của Foxconn không thể hoạt động trở lại trừ khi nó được chính quyền địa phương đánh giá và phê duyệt.

Theo một thông báo nội bộ khác mà Nikkei Asian Review có được, công ty chuyên về sản xuất màn hình trực thuộc Foxconn, Innolux – vốn có các cơ sở sản xuất ở Thâm Quyến – hôm thứ Sáu (07/02) đã gửi lưu ý cho các nhân viên, khuyên họ không nên quay lại khu phức hợp Long Hoa vào ngày thứ Hai (10/02).

"Chính phủ [Trung Quốc] cực kỳ sát sao tại thời điểm này", một nhà cung cấp thiết bị cho Apple có trụ sở tại Thâm Quyến và có làm việc với Foxconn cho hay.

Việc kéo dài thời gian tạm ngưng sản xuất diễn ra vào thời điểm lượng hàng tồn kho iPhone - và đặc biệt là iPhone 11 - đã sắp hết. Việc gián đoạn sản xuất mới nhất khiến kế hoạch vận chuyển sản phẩm của Apple bị chậm trễ.

Apple cũng đã kéo dài thời gian đóng cửa các cửa hàng bán lẻ ở Trung Quốc, trong đó hầu hết các cửa hàng vẫn đóng cửa cho đến ngày 15/02 trong bối cảnh dịch viêm phổi do virus corona gây ra ngày càng tồi tệ, Bloomberg News đưa tin.

Việc trì hoãn thời gian trở lại làm việc của Foxconn sẽ gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các nhà cung cấp thiết bị điện tử khác, vì gã khổng lồ sản xuất Đài Loan này đã và đang thực hiện các bước tích cực để ngăn chặn sự lây lan của virus corona. Họ thậm chí còn tự sản lượng khẩu trang y tế để sử dụng nội bộ.

Vào ngày thứ Sáu (07/02), nhà cung cấp iPad cho Apple, Compal Electronics, cũng đã hoãn kế hoạch nối lại sản xuất tại các cơ sở Kun Sơn, đặt tại tỉnh Giang Tô, từ ngày thứ Hai (10/02) đến 17/02, công ty đã thông báo trên mạng xã hội WeChat.

Foxconn nói với Nikkei Asian Review rằng lịch trình hoạt động cho các cơ sở ở Trung Quốc tuân theo các khuyến nghị của chính quyền địa phương và họ chưa nhận được bất kỳ yêu cầu nào từ khách hàng về sự cần thiết của việc sớm sản xuất trở lại. Công ty nói thêm rằng họ đang làm việc với chính quyền địa phương để tạo điều kiện cho sự chuẩn bị cần thiết để nhân viên của họ trở lại làm việc một cách an toàn.

Nhưng một số công ty vẫn đang đi đúng hướng để khởi động lại hoạt động vào đầu tuần này như kế hoạch đề ra.

Tại Thâm Quyến, nhà sản xuất xe điện BYD dự kiến sẽ tiếp tục hoạt động vào thứ Hai (10/02), cũng như nhà sản xuất thiết bị viễn thông ZTE.

Nhà sản xuất xe điện Mỹ Tesla, công ty đã khai trương nhà máy Trung Quốc đầu tiên tại Thượng Hải vào năm 2019, cũng sẽ khởi động lại vào thứ Hai (10/02). Chính quyền thành phố Thượng Hải cho biết hôm thứ Bảy (08/02), họ ủng hộ nối lại sản xuất tại Tesla và các công ty khác.

Nhưng các khu vực pháp lý và thị trấn nhỏ hơn đang yêu cầu được cấp thẩm quyền để gia hạn việc đóng cửa bắt buộc các cơ sở sản xuất.

Theo truyền thông Trung Quốc, Quận Du Trung, trung tâm của thành phố Trùng Khánh và là nơi có nhiều tổ chức và văn phòng Chính phủ, đã thông báo cho các công ty vào ngày thứ bảy (08/02), yêu cầu họ hoãn kế hoạch nối lại sản xuất từ ngày thứ Hai (10/02). Không có dấu hiệu cho thấy sự bùng phát virus corona đang giảm dần, có khả năng nhiều công ty sẽ tự nguyện hoãn kế hoạch hoạt động trở lại.

Nguồn Nikkei Asian Review


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày