Kiều bào

Người Việt bốn phương (Số 726)

Phùng Mỹ Thứ Hai | 03/05/2021 08:00

Ảnh: TL.

Người Việt ở Ấn Độ trong “tâm bão” dịch COVID-19
Ảnh: TL.

May 10 tiếp tục tặng khẩu trang cho kiều bào 

Sáng 27.4, Tổng Công ty May 10 đã trao tặng 30.000 khẩu trang hỗ trợ phòng chống COVID-19 cho Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài (ALOV). Số lượng khẩu trang này sẽ được ALOV thông qua các Đại sứ quán để chuyển cho bà con ở các nước Lào, Campuchia và Thái Lan, mỗi nước 10.000 chiếc.

Đây là lần thứ 2, May 10 thực hiện nghĩa cử cao đẹp này. Năm 2020, khi đại dịch bùng phát ở châu Âu và Mỹ đã trở thành tâm dịch và là quốc gia chịu thiệt hại nhiều nhất khi số người nhiễm và tử vong ở mức cao nhất thế giới. Khi đó, May 10 cũng trao tặng 20.000 chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn cho kiều bào ở Mỹ, góp phần chia sẻ, động viên, hỗ trợ đồng bào giảm nhẹ phần nào tác động của dịch bệnh.

Trước tình trạng trang thiết bị y tế và bảo hộ trở nên khan hiếm ngay tại các nơi giàu có như Mỹ và các nước châu Âu, những chiếc khẩu trang nhỏ bé càng trở nên hữu ích và cần thiết để đảm bảo an toàn cho người dân. 

Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, cho rằng: “Khi trong nước nhiều lần trải qua khó khăn, thách thức với  thiên tai, lũ lụt thì bà con kiều bào cũng hết lòng ủng hộ bằng tiền và các loại vật phẩm. Giờ đây, khi tình hình kiểm soát dịch bệnh trong nước khá tốt thì nhiều quốc gia láng giềng lại đang rơi vào thảm kịch. Mặc dù số lượng khẩu trang không phải quá lớn nhưng ở thời điểm nguy cấp này, hành động của May 10 chắc chắn sẽ khiến bà con kiều bào cảm nhận rõ sự chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp trong nước”.

Từ hành động thiết thực này, ALOV sẽ cố gắng vận động các công ty khác ở trong nước để làm cầu nối chuyển món quà bằng vật phẩm tương tự để hỗ trợ bà con kiều bào ở các nước có dịch bùng phát.

Kiều bào với biển đảo quê hương

Ngày 8.5 tới, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) sẽ tổ chức chương trình tọa đàm, giao lưu với chủ đề “Kiều bào với biển đảo quê hương” theo hình thức vừa trực tiếp, vừa trực tuyến, nhằm đáp ứng nguyện vọng và tình cảm của bà con kiều bào với quê hương đất nước, đặc biệt với Trường Sa thân yêu.

Chương trình sẽ tổ chức tại Trụ sở Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. Tham dự tọa đàm và giao lưu có đại diện lãnh đạo và một số cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân, kiều bào đang ở trong nước, đoàn viên thanh niên Bộ Ngoại giao, các nghệ sĩ Nhà hát ca múa nhạc Quân đội và nhiều điểm cầu tại Cam Ranh, TP.HCM, các quốc gia nơi có đông kiều bào đang sinh sống, làm việc và học tập.
Theo Ban Tổ chức, đây là dịp để chiến sĩ Trường Sa và kiều bào bốn phương xem lại hình ảnh các chuyến thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1, cũng như chia sẻ những kỷ niệm đẹp, xúc động với quân và dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn...

Vận động kiều bào tại Campuchia không vượt biên trái phép

Dịch COVID-19 tại Campuchia tiếp tục diễn biến phức tạp với số ca nhiễm và tử vong liên tục tăng kể từ “Sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20.2”. Trước tình hình này, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia đã kêu gọi cộng đồng người Việt bình tĩnh, cố gắng thực hiện nghiêm mọi chính sách, quy định và biện pháp phòng chống dịch bệnh của chính quyền địa phương. Đồng thời, Đại sứ quán cũng đề nghị bà con không nên về nước theo các đường dây trái phép.

Hiện tại, các cửa khẩu và đường biên giới được lực lượng an ninh và biên phòng cả 2 nước kiểm soát rất nghiêm ngặt và có hình phạt nghiêm khắc với người vượt biên trái phép, bao gồm phạt tiền và tù giam, nhất là trong trường hợp gây lây nhiễm cho cộng đồng.

Đại sứ Vũ Quang Minh cho biết khi Campuchia dỡ bỏ các quy định phong tỏa và cấm đi lại giữa các tỉnh, công dân Việt Nam có thể dễ dàng nhập cảnh chính thức qua các cửa khẩu quốc tế đường bộ giữa Campuchia và Việt Nam, cách ly theo quy định với chi phí rất thấp, không phải lo lắng bị phạt.

Người Việt ở Ấn Độ trong “tâm bão” dịch COVID-19 

Hoang mang, lo sợ dịch bệnh tiếp tục diễn biến xấu sẽ ảnh hưởng đến công việc, đi lại và học tập là tâm lý chung của cộng đồng người Việt tại Ấn Độ. Dịch bệnh ở Ấn Độ đang trở thành tâm điểm chú ý của thế giới với số ca nhiễm tăng kỷ lục, áp đảo hệ thống y tế mong manh và đẩy nước này đến bờ vực một cuộc khủng hoảng trầm trọng.

Chị Huỳnh Thúy Vy làm việc tại Chennai, thủ phủ bang Tamil Nadu chia sẻ, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Ấn Độ nói chung, cũng như các trung tâm đô thị nói riêng, như Delhi, Mumbai, Chennai..., bà con người Việt đều đang gặp vấn đề về kinh tế.

Để ứng phó với tình hình dịch bệnh hiện nay, bản thân chị Vy cũng như gia đình hạn chế ra ngoài, trong khi đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh, đủ chất để có sức đề kháng ngăn ngừa dịch bệnh.

Trong khi đó, anh Nguyễn Viết Thanh, nghiên cứu sinh tại Đại học Nông nghiệp và Công nghệ Odisha, miền Đông Ấn Độ, cũng bày tỏ lo lắng về tình hình dịch bệnh gia tăng có thể ảnh hưởng đến việc học tập. Nguy cơ dịch bệnh rình rập không đâu xa, ngay trong trường nơi anh Thanh học, một số khu ký túc xá và cả nhà khách đã được sử dụng làm nơi cách ly bệnh nhân nhiễm COVID-19.

 

Theo Tham tán Đỗ Thanh Hải, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, trước khi dịch COVID-19 bùng phát, cộng đồng người Việt tại Ấn Độ có khoảng hơn 1.000 người, sang Ấn Độ vì nhiều mục đích khác nhau như kết hôn, du học, tu tập, công tác. Ngoài ra, còn có một số người đi tham quan, chữa bệnh nhưng bị kẹt lại.

Kỹ sư người Việt được Bộ Quốc phòng Mỹ vinh danh

Kỹ sư bảo mật của Amazon Trần Đại Chí, sinh năm 1992, vừa được nêu tên trên bảng vàng của Bộ Quốc phòng Mỹ vì đảm bảo an toàn hệ thống thông tin cho Trung tâm tội phạm mạng nước này.

Kỹ sư Trần Đại Chí. Ảnh: vnexpress.net.
Kỹ sư Trần Đại Chí. Ảnh: vnexpress.net.

DC3 VDP (Vulnerability Disclosure Program) là tên Chương trình Phát hiện Lỗ hổng bảo mật, thuộc Trung tâm Tội phạm mạng (DC3) của Bộ Quốc phòng Mỹ (DoD). Mỗi tháng, Trung tâm này công bố một “nhà nghiên cứu của tháng” - là người có đóng góp về an toàn thông tin cho hệ thống của đơn vị. Danh hiệu này trong tháng 3 vừa qua thuộc về Đại Chí với nickname “0xfatty”.

Tuy nhiên, đó chưa phải là thành tích mà Đại Chí tự hào nhất. Trước đó, chàng kỹ sư bảo mật gốc Nha Trang đã được Apple khen thưởng và được Google vinh danh vì những phát hiện trong lĩnh vực an ninh mạng cho các đơn vị này.

Theo Đại Chí, thành quả lớn nhất sau những thành tích bảo mật là giúp anh được công nhận, nâng cao trình độ kỹ thuật. Từ đó, anh có thêm mối quan hệ với bạn bè cùng ngành an ninh an toàn thông tin cả ở Việt Nam và thế giới.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày