Kinh Doanh

Cước tàu rời nhảy múa theo giá dầu

La Quang Trí Thứ Ba | 22/02/2022 09:03

Rất nhiều tuyến hàng container đang có giá rất cao. Ảnh: TL.

Năm 2021 là năm thịnh vượng của giới chủ tàu container, chủ tàu rời khi hầu hết tuyến vận tải giá cước tăng gấp đôi, một số tuyến tăng gấp nhiều lần.
Rất nhiều tuyến hàng container đang có giá rất cao. Ảnh: TL.

Những tưởng qua Tết, thị trường sẽ đi xuống hoặc chí ít thì cũng ổn định ở mức vừa phải để những nhà sản xuất, doanh nghiệp xuất nhập khẩu dễ dàng hơn trong việc kinh doanh của mình và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi, nhưng sự thật những diễn biến của thị trường vận tải biển quốc tế thời gian gần đây sau Tết Nguyên Đán 2022 là không phải như vậy. 

Rất nhiều tuyến hàng container đang có giá rất cao, như hiện tại hàng hoá xuất hay nhập từ các cảng Châu Á đi Mỹ có giá khoảng trên dưới 14.000USD/container 40feet, gấp 6, 7 lần so với vài năm trước. Tuyến hàng xuất đi từ Việt Nam qua UAE 2 năm trước giá vẫn chỉ ở mức hơn 4.000USD/container 40 feet thì hiện nay có giá tầm 15.000USD. Điều này làm cho các chủ tàu hưởng lợi rất lớn song các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hoá đi các tuyến này gặp rất nhiều khó khăn khi phải đàm phán lại với các khách hàng của họ để có thể giao hàng được.

Không chỉ giá cước tàu container, khi giá thuê tàu rời giảm đến khoảng 1/2 so với lúc giá cao đỉnh điểm tháng 9, 10 năm 2021 thì đến giờ, giữa tháng 2/2022, giá thuê tàu vẫn giữ ở mức khá cao, có lúc lên rất cao rồi trở lại mức cao trung bình, cụ thể giá thuê tàu 80.000dwt đang có giá 25.000-30.000 USD/ngày, tàu 50.000dwt đang có giá 18.000-20.000USD/ngày, tàu 10.000-15.000dwt có giá 10.000-12.000USD/ngày. Đối với các loại tàu nhỏ thì giá quá cao và lên xuống khá thất thường. Bất chấp chỉ số BDI trong tháng 2 vừa qua giảm kỷ lục xuống con số trên dưới 1.300 điểm do các nước nhập khẩu hàng hoá bằng tàu rời khá nhiều như Hàn Quốc, Đài Loan, Việt Nam và Trung Quốc nghỉ tết âm lịch thì lượng tàu sẵn sàng cho thuê cực kỳ hiếm với số lượng không đáng kể.

Giá thuê tàu tính theo ngày ở mức khá cao nên giá thuê tính trên đầu tấn không thể giảm. Những biến cố chính trị ở Châu Âu đẩy giá dầu vốn đã cao đã trở nên rất cao. Dầu đóng vai trò rất lớn trong việc hình thành giá cước vận tải. 

Ảnh: TL.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến sự tăng giá của cước vận tải biển thời điểm hiện tại. Ảnh: TL.

Cụ thể tuyến Indonesia đi Bangladesh nếu trước kia chỉ tầm giá dưới 30USD/tấn thì hiện tại lên đến trên 40USD/tấn. Tuyến hàng than Indonesia về Việt Nam cũng tăng khá nhiều hiện cũng ở mức trên dưới 17USD/tấn. Thạch cao Oman về Việt Nam đã tăng lên 25USD/tấn với các tàu 50000-80000mt. Thậm chí tuyến thạch cao Thái Lan về TP.HCM nếu bình thường năm 2020 có giá 7USD, lúc cao điểm năm ngoái 2021 có giá 11-12USD thì thời điểm hiện tại đã lên giá 15USD/tấn. Hàng ngô rời từ Thái Lan về Hải Phòng có giá trên dưới 40USD Hàng phân bón Trung Quốc về Việt Nam cũng đang tăng giá rất cao đang ở mức 30-40USD tuỳ cảng xa hay gần trong khi thời gian 2020, chỉ ở mức trên 20USD.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến sự tăng giá của cước vận tải biển trong thời điểm hiện tại, xung đột tăng cao của Nga và Ukraina, sự thiếu hụt tàu bè do bị chậm làm hàng ở các cảng thuộc các vùng phía Bắc do thời tiết có mưa nhiều. Các chính sách zero COVID của Trung Quốc cũng tác động không nhỏ đến sự thiếu hụt nguồn cung tàu cho thị trường vận tải biển (tàu nằm tại cảng rất lâu), dẫn đến thiếu hụt năng lực vận tải và giá cước tàu biển tăng cao.

Không chỉ chính sách zero COVID của Trung Quốc làm ảnh hưởng đến thời gian vận tải và giá cước, các chính sách xét nghiệm ở một số cảng ở các nước như Indonesia, Ấn Độ, Việt Nam các nước khu vực Trung Đông… cũng làm cho giá cước tăng lên, do các chủ tàu phải tăng chi phí xét nghiệm, chi phí ca dương tính trên tàu... 

Cước vận tải biển từ Á sang Âu
Cước vận tải biển từ Á sang Âu.

Ngoài ra, việc thay đổi thuyền viên cũng là điều khá phức tạp trong suốt thời gian vừa qua khi rất nhiều nước không cho phép thuyền viên thay đổi tại các cảng của họ, mà họ phải chạy về đất nước của mình mới có thể thay thế thuyền viên được. Việc này tốn rất nhiều chi phí khi các chủ tàu buộc phải thay đổi hành trình một cách không mong muốn và họ phải hy sinh một số tuyến hàng có giá tốt chỉ để thay thuyền viên cho tàu.

Việc giá cước tăng tác động đầu tiên là làm cho xáo trộn thị trường vận tải, tác động tiếp theo là làm cho các doanh nghiệp sẽ khó bán hàng do hàng hoá bắt buộc phải tăng giá liên tục, nhất là với những mặt hàng thiết yếu … Những nhà máy như nhà máy xi măng, các nhà máy nhiệt điện… sẽ tốn chi phí rất lớn để duy trì hoạt động. Các trang trại nuôi gia súc, gia cầm lớn bị ảnh hưởng hoặc sẽ phá sản vì không mua được nguyên liệu sản xuất thức ăn.

Người tiêu dùng bình thường sẽ là những người chịu thiệt thòi khi phải mua hàng hoá với giá rất cao do đầu vào tăng. Nếu tình hình giá cước vận tải vẫn tiếp tục tăng cao, lạm phát sẽ tăng nhanh và tình hình kinh tế thế giới sẽ chịu những tác động rất tiêu cực.

Có thể bạn quan tâm:

Việt Nam dỡ bỏ hạn chế về khai thác chuyến bay quốc tế từ ngày 15/2


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày