Tài Chính

Mặc thị trường thế giới ngập sắc xanh, chứng khoán Việt vẫn "một lối đi riêng"

Nhật Lệ Thứ Ba | 04/10/2022 17:02

Hình ảnh tại Công ty Chứng khoán Mirae Asset. Ảnh: Quý Hòa.

Bất chấp đà tăng của chứng khoán thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có "một lối đi riêng".
Hình ảnh tại Công ty Chứng khoán Mirae Asset. Ảnh: Quý Hòa.

Đà giảm ở phiên giao dịch 3/10 đã đưa thị trường chứng khoán Việt Nam lên "ngôi vương" giảm mạnh nhất thế giới. Đêm qua (3/10), khi phố Wall ngập tràn trong sắc xanh, chỉ số Dow Jones đóng cửa tăng hơn 700 điểm, nhiều nhà đầu tư cũng đặt kỳ vọng về sự hồi phục của thị trường Việt Nam sau khi giảm hơn 45 điểm trước đó.

Tuy nhiên, trái ngược với kỳ vọng của giới đầu tư, thị trường tăng nhẹ ở đầu phiên và diễn biến vô cùng "lắc lư" trong phiên, tăng giảm thay đổi chóng mặt. Kết phiên, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.078 điểm, giảm hơn 8 điểm so với mức tham chiếu. Tổng giá trị giao dịch ở sàn HOSE đạt hơn 12.047 tỉ đồng, tương đương với mức trung bình 20 phiên gần nhất. Độ rộng ở sàn HOSE nghiêng hẳn về bên bán với 312 mã giảm (17 mã giảm sàn), gấp gần 3 lần số mã tăng. 

Nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ chịu áp lực bán mạnh, trong khi nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn là 'trụ đỡ'. Ảnh: VNDirect.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ chịu áp lực bán mạnh, trong khi nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn là 'trụ đỡ'. Ảnh: VNDirect.

Đặc biệt ở phiên giao dịch này, nhiều cổ phiếu có biên độ dao động rất lớn, điển hình như cổ phiếu GVR; HPG hay CTG khi sáng vừa tăng điểm, đến chiều thì đột ngột giảm gần sàn. Hay như nhóm cổ phiếu ngành phân bón (DPM, DCM) cũng có diễn biến tương tự. 

Trong khi đó, nhóm VN30 có sự phân hóa khá mạnh với 14 mã giảm và 15 mã tăng. Thanh khoản ở mã này cũng duy trì ở mức thấp, đạt hơn 4.600 tỉ đồng, chỉ khoảng 1/3 tổng giá trị giao dịch ở sàn HOSE. 

Nhìn tổng quan bản đồ vốn hóa ở sàn HOSE, áp lực bán đối với thị trường ở phiên giao dịch này chủ yếu đến từ nhóm vốn hóa vừa và nhỏ trong khi nhóm vốn hóa lớn vẫn đang đóng vai trò là trụ đỡ đối với thị trường, đặc biệt là nhóm cổ phiếu bất động sản với 2 đại diện nổi bật là VIC và VHM. 

Như vậy, tính từ vùng đỉnh của năm 2022 đến nay, chỉ số VN-Index đã giảm hơn 460 điểm, gần như xóa sạch đà tăng của thị trường trong năm 2021. Trên khắp các diễn đàn, nhà đầu tư không giấu nổi những nỗi niềm khi thị trường diễn biến không như kỳ vọng, thổi bay phần lớn tài sản của nhà đầu tư.  

VN-Index hiện tại đã xóa sạch đà tăng của cả năm 2021. Ảnh: FireAnt.
VN-Index hiện tại gần như xóa sạch đà tăng của cả năm 2021. Ảnh: FireAnt.

Có thể nói, kể từ khi thành lập đến nay, thị trường chứng khoán luôn là kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế. Liên tục trong hơn 21 năm qua, thị trường chứng khoán từ quy mô rất nhỏ và sơ khai đã vượt qua mọi khó khăn để không ngừng hoàn thiện về cấu trúc, phát triển mạnh mẽ về quy mô, chất lượng, chiều sâu và đã trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Trong năm 2021, mặc dù tình hình kinh tế gặp nhiều thách thức nhưng với sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán, nhiều doanh nghiệp đã huy động thành công nguồn vốn để khôi phục sản xuất kinh doanh. Tổng giá trị vốn huy động thông qua phát hành thêm trên thị trường cổ phiếu của HOSE ước đạt hơn 49.605 tỉ đồng với 72 đợt phát hành có thu tiền, tương ứng tăng hơn 5 lần về giá trị so với năm 2020.

Và đóng góp trong sự thành công đó, không thể không kể đến nhà đầu tư cá nhân với hơn 85% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường. Tuy nhiên, diễn biến của thị trường trong năm 2022 gần như khiến nhà đầu tư ‘mất đi niềm tin’ vào thị trường chứng khoán. Theo quan sát của người viết trên các diễn đàn, nhà đầu tư đua nhau ‘ước chưa từng quen biết chứng khoán’.

Có thể bạn quan tâm

Vừa mở đầu tháng 10, chứng khoán Việt đã giảm sâu


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày