Tài Chính

Thép Nam Kim được gì sau khi tái cơ cấu?

Kim Anh Thứ Sáu | 24/04/2020 16:05

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Qúy Hòa.

Sau quá trình tái cơ cấu, những điều tồi tệ nhất đối với Thép Nam Kim dường như đã qua đi.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Qúy Hòa.

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC), điều tồi tệ nhất với Thép Nam Kim (HoSE: NKG) đã qua đi nhờ Ban lãnh đạo công ty đã thành công tái cấu trúc các hoạt động kinh doanh của NKG.

Trong đó, NKG chủ yếu tập trung vào hoạt động nội tại, sắp xếp lại các cấp khách hàng cũng như hệ thống tồn kho, sản xuất và tăng cường quản lý chi phí.

HSC dự báo mảng kinh doanh chủ chốt của NKG sẽ dần tăng trưởng trở lại từ quý I năm nay sau những nỗ lực quyết liệt tái cơ cấu từ đầu năm ngoái thông qua việc bán tài sản, thay đổi trong quản lý và giới thiệu chiến lược kinh doanh mới. 

 

Dòng tiền từ bán tài sản trong năm 2019 cũng cho phép NKG giảm vay nợ. Tổng dư nợ của công ty vào cuối năm 2019 đã giảm 30,1% xuống 3.092 tỉ đồng. Nhờ vậy, chi phí lãi vay cũng giảm 8,7% xuống 309 tỉ đồng trong năm 2019. 

Công ty cũng thành công giảm chi phí nguyên liệu đầu vào và dần thay đổi chính sách tồn kho. HSC cho biết NKG sẽ duy trì chính sách chỉ tồn kho một tháng nguyên liệu đầu vào và một tháng thành phẩm.

Lãnh đạo công ty cho biết NKG sẽ không thực hiện đầu cơ nguyên liệu đầu vào (tồn kho lên tới 2,5-3,0 tháng sản xuất) như trong thời gian trước nữa (2017-2018) để giảm thiểu rủi ro biến động giá nguyên liệu đầu vào (HRC).

Quản lý chi phí nội bộ cũng là một ưu tiên khác của Ban Giám đốc mới với sự tham gia nhiều hơn từ SMC (một công ty chuyên phân phối thép nắm giữ 5% cổ phần của NKG) và đây là tín hiệu tích cực cho NKG để giải quyết các vấn đề về vận hành kéo dài trong quá khứ. 

HSC nhận định, sau khi giải quyết nhiều vấn đề trong vận hành, chiến lược tồn kho và dòng tiền, năm 2020 kỳ vọng sẽ là năm khởi sắc đối với NKG sau hai năm (2018-2019) chịu áp lực lợi nhuận giảm. Bên cạnh đó, với những nỗ lực không ngừng để cái cơ cấu, Công ty không còn cấp thiết phải tăng vốn điều lệ trong giai đoạn này. 

Tuy nhiên, HSC cũng đánh giá tình trạng dư cung kéo dài ở phân khúc tôn mạ và cạnh tranh ngày càng gia tăng là những điều đáng lo ngại cho toàn ngành nói chung và NKG nói riêng.  

 

Nhiều doanh nghiệp gia nhập ngành dẫn đến tăng áp lực lên giá bán và ảnh hưởng đến tỉ suất lợi nhuận.

Quá trình tái cơ cấu trong ngành vẫn tiếp diễn, và sẽ mất vài năm nữa để thị trường cân bằng. Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu vẫn gặp phải những rào cản thương mại như thuế chống bán phá giá và nhu cầu suy yếu do COVID-19. 

Với tỉ suất lợi nhuận mỏng, bất kỳ biến động nào của nguyên liệu đầu vào (HRC) cũng sẽ ảnh hưởng nặng nề đến lợi nhuận của NKG.

Trong tháng 1 và tháng 2, NKG không bị ảnh hưởng đáng kể bởi dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, giá HRC giảm mạnh trong tháng 3 và phong tỏa ở các nước ASEAN, Châu Âu và Mỹ ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh của NKG.

Do đó, HSC ước tính NKG chỉ ghi nhuận lợi nhuận khiêm tốn trong quý I năm nay. Tuy nhiên, so với mức lỗ 101,6 tỉ đồng trong quý I.2019, con số lợi nhuận khiêm tốn trong cùng kỳ năm nay vẫn cho thấy thành công trong tái cơ cấu của công ty. 

Cả năm 2020, HSC dự báo doanh thu của NKG ở mức 11.991 tỉ đồng và lợi nhuận được dự báo đạt 108 tỉ đồng, tăng trưởng 129,2% so với năm 2019.

* Có thể bạn quan tâm 

► Nhiều ngân hàng lãi bằng lần nhờ đầu tư chứng khoán

►Cổ phiếu của HAGL Agrico từ cảnh báo sang kiểm soát


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày