Kinh Doanh

Kinh tế 5 tháng đầu năm phục hồi nhưng chưa rõ nét

Thứ Bảy | 26/05/2012 20:37

Kinh tế 5 tháng đầu năm đã có chuyển biến đúng hướng, các giải pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, sản xuất xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống của người dân vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức. Đó là những kết luận chính tại cuộc giao ban giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các bộ, ban ngành, địa phương diễn ra ngày 25/5 tại Hà Nội.
Điểm sáng

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 5/2012, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,4% so với tháng 4/2012 và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2011. Tính chung 5 tháng đầu năm 2012, IIP tăng 4,2% so với cùng kỳ, trong đó, công nghiệp khai thác mỏ tăng 2,1%; công nghiệp chế biến tăng 3,8%; sản xuất, phân phối điện, ga, nước tăng 14,3% so với cùng kỳ.

Xem xét diễn biến từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất công nghiệp đang có chuyển biến tốt. Trong 4 tháng đầu năm, tốc độ tăng IIP và công nghiệp chế biến tăng lần lượt là 3,9% và 2,4%; 6,5% và 8,6%; 7,5% và 9,3%; tháng 5 tăng 6,8% và 8,8%.

Ông Cao Viết Sinh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, có thể nhận thấy tín hiệu tích cực về lạm phát từ 6 tháng năm ngoái, đến 5 tháng đầu năm nay, lạm phát tiếp tục giảm hơn kỳ vọng.

Theo Thứ trưởng Cao Viết Sinh, xuất khẩu cũng là những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế, hoạt động xuất khẩu tiếp tục gia tăng trong điều kiện nền kinh tế thế giới vẫn khó khăn. Tính chung, 5 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 42,86 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không kể dầu thô ước đạt gần 23,15 tỷ USD, tăng 43,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, mức tăng kim ngạch xuất khẩu ít phụ thuộc vào sự tăng giá các sản phẩm xuất khẩu mà do tăng về lượng xuất khẩu bởi giá của hầu hết các mặt hàng nông sản đều giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, giá gạo xuất khẩu giảm 5,4%, cao su giảm 30,6%, cà phê giảm 4,4%, hạt điều giảm 7,8%, sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 16,7%.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong 5 tháng đầu năm 2012, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 4,51 tỷ USD, bằng 99,8% với cùng kỳ năm 2011.

Tính đến ngày 20/5, cả nước có 283 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 4,12 tỷ USD, bằng 74,7% so với cùng kỳ năm 2011. Đến 20/5, có 82 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 1,2 tỷ USD, bằng 52,5% so với cùng kỳ năm 2011. Tính chung cả vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm trong 5 tháng 2012 là 5,32 tỷ USD, bằng 68,2% so với cùng kỳ năm 2011.

Phục hồi nhưng chưa rõ nét

Tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong nước bắt đầu tốt hơn, biểu hiện qua hai yếu tố, đó là tồn kho giảm dần; tổng mức bán lẻ kinh doanh hàng hóa dịch vụ tăng lên. Tính đến 1/5, chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến đã giảm so với tháng 3 và tháng 4/2012, tuy nhiên, so với cùng kỳ vẫn tăng 29,4%.

Theo Thứ trưởng Cao Viết Sinh, nhìn chung đã có tín hiệu về khôi phục tăng trưởng nhưng còn chưa rõ nét, các doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động tuy nhiên vướng nhất vẫn là đầu ra, do đó cần có các gói kích cầu để tăng tiêu thụ, giảm tồn kho.

Kinh tế chưa hết khó khăn, mà biểu hiện là việc phục hồi tăng trưởng kinh tế chậm. Trong quý I, tăng trưởng kinh tế ở mức 4%, sang quý II dự báo 4,5% nếu như tính bình quân hai quý đầu năm thì vẫn chưa đạt. Điều này cho thấy áp lực giữ tăng trưởng hợp lý cho 6 tháng cuối năm còn lớn.

Theo ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp, Tổng cục Thống kê, hiện nay tình hình sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm là khó khăn, với mức tăng chậm nhất so với năm gần đây. Công nghiệp khai thác, dầu, than khí, hầu như không tăng.

Tăng trưởng kinh tế có phần quyết định chính từ công nghiệp chế biến, chế tạo khi đóng góp vào GDP tới 34 đến 35% nhưng ngành này trong 5 tháng đầu năm tăng trưởng thấp do gặp khó ở khâu tiêu thụ sản phẩm. Xi măng hiện còn tồn đọng tới 6 triệu tấn, vì vậy các biện pháp kích cầu là quan trọng nhất.

Theo đại diện phía Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này vẫn đang rất tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng chưa đạt được kỳ vọng. Vấn đề là sức hấp thụ vốn còn yếu, số doanh nghiệp phá sản, giải thể do sản xuất kinh doanh thua lỗ chiếm 69%.

Nguồn Vietnam+


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày